Đến sáng 4/2, thế giới có trên 387,32 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,72 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 76,99 triệu ca mắc và hơn 918.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 113.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hơn 387,32 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Lực lượng Lục quân Mỹ tuyên bố sẽ ngay lập tức sa thải những quân nhân từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 , khẳng định rằng sắc lệnh này đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu. Tuyên bố cho biết, sắc lệnh của Lục quân Mỹ được áp dụng cho các binh sĩ lục quân thông thường, quân dự bị tại ngũ và các học viên trường sĩ quan thuộc lực lượng này nếu họ không được cấp chứng nhận miễn hoặc trì hoãn tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sắc lệnh này là quyết định mới nhất từ một lực lượng thành viên của quân đội Mỹ về việc sa thải các quân nhân từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi Lầu Năm Góc đưa ra quy định tiêm vaccine bắt buộc hồi tháng 8/2021.
Đại đa số quân nhân tại ngũ của Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 79 quân nhân thuộc tất cả các lực lượng trong quân đội Mỹ đã tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 41,8 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 499.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 629.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 25,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Châu Âu có thể sẽ sớm bước vào một “giai đoạn yên ổn kéo dài” sau hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. . Đây là dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguyên nhân được cho là nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn và mùa đông lạnh giá sắp kết thúc.
Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, diễn biến dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu có thể được coi như một “lệnh ngừng bắn” mang lại một sự yên ổn về lâu dài cho khu vực. Châu Âu sẽ ứng phó tốt hơn với nguy cơ bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kể cả với những biến thể có khả năng lây truyền nhanh hơn biến thể Omicron, mà không cần tái áp đặt các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, WHO cảnh báo viễn cảnh này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và tăng cường theo dõi, phát hiện các biến thể mới.
Đan Mạch đã trở thành nước đầu tiên ở châu Âu dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến COVID-19. Kể từ tháng 2/2022, người dân Đan Mạch có thể đến các cửa hàng, nhà hàng hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng mà không cần đeo khẩu trang. Các câu lạc bộ đêm ở nước này đã được mở cửa trở lại. Giới hạn về số lượng người tại các bữa tiệc trong nhà cũng được gỡ bỏ. Chỉ có một số hạn chế được áp dụng tại biên giới đối với những du khách chưa được tiêm phòng, không đến từ khối Schengen.
Hơn 60% người Đan Mạch đã được tiêm liều vaccine thứ 3, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước thuộc Liên minh châu Âu (chỉ dưới 45%). Cơ quan y tế ước tính rằng, 80% người dân nước này đã được bảo vệ khỏi các biến thể nghiêm trọng, tính cả những người gần đây đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh.
Từ tháng 2/2022, người dân Đan Mạch không không cần đeo khẩu trang phòng dịch. (Ảnh: AP)
Đức đã có một số thay đổi về quy định nhập cảnh, liên quan tới giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, từ ngày 1/2, tất cả chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ không còn hiệu lực sau 270 ngày. Để có thể nhập cảnh vào Đức, mọi người đều phải chứng minh đã tiêm mũi tăng cường và sử dụng hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số của EU. Sau thời gian 270 ngày, những người chưa tiêm mũi vaccine tăng cường đều bị coi là chưa được tiêm chủng khi qua biên giới EU. Họ sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, thậm chí có thể phải cách ly trong thời gian ngắn.
Trước đó, Đức cũng thay đổi các quy định về thời gian phục hồi của những người mắc COVID-19. Thay vì 6 tháng như trước đây, thời gian miễn dịch an toàn chỉ được công nhận 3 tháng. Người phát ngôn Bộ Y tế Đức cho biết, quy định hiệu lực của “giấy chứng nhận phục hồi” sau khi mắc COVID-19 được giới hạn trong 90 ngày kể từ ngày 15/1.
Ngày 3/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã công bố lộ trình mở cửa trở lại biên giới quốc gia theo 5 giai đoạn. Cụ thể, kể từ ngày 2/2, những công dân New Zealand đang ở tại Australia đã tiêm phòng đầy đủ có thể trở về nhà mà không cần phải trải qua quá trình cách ly bắt buộc. Sau đó 2 tuần, công dân New Zealand ở các nước khác sẽ được hưởng quy định tương tự.
Một số loại thị thực việc làm dài hạn, như thị thực du lịch kết hợp việc làm, lao động lành nghề và sinh viên quốc tế sẽ được phép nhập cảnh vào New Zealand kể từ tháng 3 đến tháng 4 và có thể tự cách ly tại nhà, thay vì tại các cơ sở cách ly bắt buộc của nhà nước. Khách du lịch từ Australia sẽ được phép nhập cảnh vào New Zealand từ tháng 7, trong khi du khách từ các quốc gia còn lại của thế giới dự kiến sẽ được hưởng quy định tương tự trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của dịch bệnh.
Thủ tướng Ardern cho biết, việc xác định một lộ trình mở cửa biên giới cụ thể và theo từng bước sẽ đảm bảo cho New Zealand giữ an toàn với đại dịch COVID-19, giúp các nhà chức trách có khả năng kiểm soát được dịch bệnh nhanh chóng và tránh gây áp lực cho hệ thống y tế nội địa. Với lộ trình mới nhất này, dự kiến đến tháng 10/2022, New Zealand sẽ mở cửa hoàn toàn với thế giới và mọi hoạt động cấp phép thị thực sẽ được triển khai bình thường trở lại.
Ngày 3/2, Tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti, nhà khoa học tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, phiên bản mới của biến thể Omicron ( BA.2 ), được gọi là “Omicron tàng hình”, đã xuất hiện tại 5 quốc gia châu Phi. Bà đồng thời bày tỏ lo ngại về việc các phương pháp xét nghiệm hiện nay có thể sẽ không phát hiện được BA.2.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Tiến sĩ Gumede-Moainsti nêu rõ BA.2 đã được báo cáo ở 5 nước châu Phi gồm Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi. Bà cho biết biến thể “tàng hình” này của Omicron rất khó phát hiện vì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm gene mục tiêu được phát triển để nhận diện biến thể Omicron và các biến thể khác trước đó. Hiện WHO đang nỗ lực phối hợp với các phòng thí nghiệm để phân tích thêm các mẫu được xác định không phải là biến thể Omicron nhằm hiểu sâu hơn về sự lây truyền của BA.2.javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(3199);}else{parent.admSspPageRg.draw(3199);}
Biến thể phụ BA.2 đã bắt đầu thay thế biến thể ban đầu của Omicron (BA.1) trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước, trong đó có Đan Mạch. Dữ liệu tại Đan Mạch cho thấy không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh của hai biến thể phụ này.
Từ ngày 4/2, Indonesia sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ 7 ngày xuống còn 5 ngày nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, đặc biệt là tại đảo Bali. Tuy nhiên, thời gian cách ly này chỉ được áp dụng đối với những du khách đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi những người mới được tiêm một mũi vẫn phải cách ly 7 ngày.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết, quyết định trên được đưa ra dựa vào thời gian ủ bệnh trung bình của biến thể Omicron là 3 ngày. Cũng theo ông Luhut, Bali sẽ mở cửa đón du khách từ tất cả các nước bắt đầu từ ngày 4/2 tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương vốn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19
Ngày 3/2, Indonesia ghi nhận 27.197 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 4,4 triệu trường hợp.
Malaysia đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Vaccine được sử dụng là vaccine Pfizer-BioNTech. Theo Bộ Y tế Malaysia, việc tiêm phòng cho trẻ em từ 5-11 tuổi được thực hiện sau khi phát hiện hơn 147.000 ca mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng qua ở nhóm tuổi này, trong đó có 26 ca tử vong.
Malaysia đặt mục tiêu, vào cuối tháng 2, 50% số trẻ em được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, tương đương 1,3 triệu trẻ. Hiện gần 80% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất hai liều vaccine COVID-19.
Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong 2 ngày qua. (Ảnh: AP)
Ủy ban quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 cho biết, đến ngày 2/2, nước này đã tiếp nhận trên 18 triệu liều vaccine COVID-19, đủ để tiêm chủng cho tổng dân số dân hơn 7 triệu người. Giới chức Lào cho rằng, việc triển khai nhanh chóng chương trình tiêm vaccine sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số, tạo miễn dịch cộng đồng để có thể mở cửa hoàn toàn đất nước và khởi động chiến lược du lịch xanh để phục hồi nền kinh tế quốc gia.
Thống kê cho thấy, tính tới ngày 2/2, Lào đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi một cho hơn 4,7 triệu người, tương đương 64,76% dân số và tiêm mũi 2 cho hơn 4,1 triệu người, tương đương 56,07% dân số.
Bộ Y tế Lào ngày 3/2 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức thấp với 400 ca, trong đó có 397 trường hợp cộng đồng và 5 người thiệt mạng vì COVID-19. Đến nay, tại Lào đã có tổng cộng 135.301 ca mắc COVID-19, trong đó có 558 trường hợp tử vong.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 3/2 đã ghi nhận thêm 22.907 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 22.773 người lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca lây nhiễm ở nước này lên 907.214 trường hợp. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc ở mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 20.000 ca, tỷ lệ lây nhiễm tăng 3,5 lần so với một tuần trước. Trong khi đó, số người tử vong là 6.812 ca, tăng 25 trường hợp so với một ngày trước đó. Số bệnh nhân COVID-19 thể nặng là 274 ca.
Do hệ thống xét nghiệm COVID-19 hằng ngày đang trong tình trạng quá tải, bắt đầu từ ngày 3/2, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng hệ thống nhận đăng ký xét nghiệm COVID-19 mới trên toàn quốc, trong đó tăng cường sàng lọc bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, rút ngắn thời gian cách ly và chỉ áp dụng xét nghiệm khuếch đại gen (PCR) cho những đối tượng có nguy cơ cao.
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đẩy nhanh việc tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này liên tục ở mức cao kỷ lục trong nhiều ngày qua. Chính phủ Nhật Bản hiện đã cấp phép sử dụng vaccine của hai hãng Pfizer và Moderna để tiêm mũi tăng cường. Theo lộ trình, đối tượng được ưu tiên tiêm là các nhân viên y tế, tiếp đến là người cao tuổi, người bị bệnh nền và sau đó là các đối tượng còn lại.
Hiện tại, Thủ tướng nước này Fumio Kishida đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho những người bình thường kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, tính đến đầu tháng 2/2022, số người hoàn thành tiêm mũi vaccine tăng cường tại nước này mới chỉ đạt khoảng hơn 5 triệu người (chiếm 3,96% dân số), trong khi số mũi tiêm cho nhân viên y tế và người cao tuổi cũng chỉ mới đạt khoảng 30,5%.
Tại Nhật Bản, số ca mắc mới COVID-19 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca/ngày. Trong 24 giờ tính đến 18h ngày 3/2 (giờ địa phương), Nhật Bản ghi nhận thêm 104.470 ca mắc COVID-19. Số ca bệnh nặng cũng lần đầu tiên tăng ở mức trên 900 sau thời gian hơn 4 tháng, kể từ cuối tháng 9/2021. Hai địa phương ghi nhận số ca mắc mới tăng cao tiếp tục là thủ đô Tokyo (20.676) và Osaka (19.615). Chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo của hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp độ sau khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh lên tới 53,1%, tăng 1,7% so với ngày 2/2.
Làn sóng dịch lần thứ 6 tại Nhật Bản bùng phát từ đầu năm 2022 đã khiến số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tăng cao chưa từng thấy. Tháng 8/2021, Nhật Bản ghi nhận mốc 1 triệu ca mắc COVID-19 và chỉ sau 5 tháng, con số này tăng gấp đôi lên 2 triệu ca. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian 2 tuần, số ca mắc mới tại Nhật Bản đã tăng thêm 1 triệu người, đưa tổng số ca mắc lần đầu tiên vượt mốc 3 triệu trường hợp.
Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một loại kháng thể mới có thể vô hiệu hóa Omicron và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán tình cờ phát hiện kháng thể này khi đang tìm hiểu một loại bệnh khác. Kháng thể mới được tổng hợp từ các thành phần của hai loại kháng thể do tế bào miễn dịch của con người tạo ra. Khi được tổng hợp, chúng có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của biến thể Omicron.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển 8 kháng thể theo phương pháp này trong khoảng thời gian ngắn. Họ đã thử nghiệm trên biến thể Omicron và thu được kết quả tích cực. Kháng thể mới cũng có thể vô hiệu hóa các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 như Delta, cũng như có tiềm năng ngăn chặn các biến thể mới trong tương lai.
Một người có khả năng mắc bệnh COVID-19 khi nói chuyện với người mang biến thể Omicron trong khoảng cách 50 cm ngay cả khi cả hai đều đeo khẩu trang. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản. Theo các nhà khoa học, nguy cơ nhiễm bệnh là gần như bằng 0 nếu một người đeo khẩu trang nói chuyện khoảng 15 phút trong khoảng cách từ 1 m trở lên với một người nhiễm biến thể Omicron đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên khoảng 14% khi họ nói chuyện trong khoảng cách 50cm. Và ở khoảng cách gần hơn, nguy cơ lây nhiễm là 40% khi cả hai đeo khẩu trang.
Để lại một phản hồi